NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH CÚM GIA CẦM
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về dịch cúm gia cầm A H5N1 tái bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt đã phát hiện ca lây nhiễm cho người đầu tiên ở Campuchia trong năm 2023. Điều này gây ra lo ngại cho người chăn nuôi ở Việt Nam và người tiêu dùng. Dưới đây là một số thông tin từ các chuyên gia kỹ thuật thú y của SANFOVET cung cấp để giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn về bệnh cúm gia cầm A H5N1.
Cúm gia cầm nguy hiểm như thế nào?
Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu xuất hiện ở chim và gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và các động vật khác gây tử vong. Có nhiều loại cúm gia cầm khác nhau, do nhiều chủng vi-rút cúm loại A gây ra (ví dụ: H5N1, H7N3, H9N2).
Trong đó, H5N1 là chủng có độc lực cao, tỷ lệ gia cầm mắc bệnh và chết lên đến 100%.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh cúm gia cầm A H5N1 (avian influenza) do vi rút cúm A/H5N1 gây ra, với một số triệu chứng phổ biến như:
– Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày, có thể chết đột ngột;
– Vật nuôi biếng ăn, đứng tụm lại, xù lông, ủ rũ, đầu gục xuống và đi loạng choạng
– Sản lượng trứng giảm, tăng số lần ấp trứng;
Nặng hơn gia cầm sẽ xuất hiện triệu chứng: sưng phù đầu và mặt, sốt cao, chảy nước mắt, ho, khó thở, khi thở phải há miệng; tiêu chảy phân có màu xanh sáng, sau đó là màu trắng và chảy máu ở hậu môn; xuất hiện tình trạng xuất huyết, tím tái ở chân, da, mào tích.
Bệnh tích bên trong
+ Niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy.
+ Xoang bụng tích nước, hoặc viêm dính.
+ Xuất huyết lốm đốm ở bề mặt niêm mạc.
+ Xuất huyết toàn bộ đường tiêu hóa. Màng treo ruột xung huyết và xuất huyết
Đường lây nhiễm
– Gia cầm mang virus gây bệnh có thể truyền virus qua nước dãi, qua phân, nước mũi, nước mắt và máu, chúng cũng có thể dính vào cỏ rác và được gió truyền đi rất xa.
– Mầm bệnh dính vào quần áo và được mang vào trại từ người nuôi.
– Mầm bệnh mang vào trại bởi các động vật như chuột và một số động vật khác, xe cộ hoặc từ việc mua con giống không rõ nguồn gốc.
Phòng bệnh và cách xử lý khi xảy ra cúm gia cầm
Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, do vậy sử dụng vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu được khuyên dùng để phòng bệnh.
Người chăn nuôi nên chủ động tiêm phòng vacxin cúm A/H5N1 lúc 2 tuần tuổi, 5 tuần tuổi. Các chuyên gia thú y của SANFOVET cũng đưa ra lời khuyên nên tiêm định kỳ cho đàn gia cầm 2 lần/ năm vào tháng 4, tháng 10 thời điểm dễ phát bệnh và bùng dịch.
Bên cạnh đó, bà con nên:
– Nuôi tách riêng theo từng giai đoạn sản xuất hoặc theo nguồn gốc; không nuôi lẫn các loại gia cầm cùng một chuồng nuôi hoặc ở sát gần nhau
– Những đàn thả ngoài trời thì phải được thả tại khu vực riêng có rào chắn.
– Khi mua gia cầm mới, chỉ mua gia cầm ở nơi uy tín, có nguồn gốc an toàn dịch bệnh. Chọn những gia cầm khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, mắt sáng để làm giống.
– Cách ly đàn mới nhập ít nhất 2 tuần và theo dõi sức khỏe hàng ngày. Nếu chúng không có dấu hiệu bị bệnh thì sau 2 tuần có thể nhốt chung với đàn gia cầm hiện tại, nếu đàn mới có dấu hiệu bệnh thì phải cách ly ngay và điều trị.
– Rắc vôi xung quanh khu vực chăn nuôi, chuồng trại, định kỳ sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc thú y như: ALLDECID, AMONICID.
– Bồi bổ và tăng cường sức đề kháng cho gia cầm bằng một số sản phẩm thuốc thú y của SANFOVET như: SANFO LIQID, AZ.KTMD, GLUCO KCE CAPTOX …
Với cúm A/H5N1, ngay khi phát hiện đàn gà mắc bệnh cúm gia cầm, bà con cần báo ngay cho đơn vị cơ sở thú y gần nhất để có biện pháp tiêu hủy và tiêm vắc xin các khu vực xung quanh.