BỆNH KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG MÁU Ở GIA CẦM (LEUCOCYTOZOON)
Ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng ở nước ta còn gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh thường xảy ra, trong đó có bệnh ký sinh trùng. Đàn gia cầm thường nhiễm ký sinh trùng quanh năm với tỷ lệ và cường độ nhiễm cao, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho các hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi gia cầm.
Việt Nam là một nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới có khu hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, thích hợp cho nhiều loài ký sinh trùng phát triển, ký sinh và gây bệnh. Trong các bệnh ký sinh trùng ở gia cầm, có những bệnh do nhóm đơn bào ký sinh gây ra những “ổ dịch cấp tính”, làm cho gà chết nhanh với tỷ lệ cao không kém các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đơn bào đường máu Leucocytozoon.
Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gia cầm nguy hiểm như thế nào?
Bệnh Ký sinh trùng đường máu ở gia cầm hay còn gọi là bệnh sốt rét gà, xuất hiện trên khắp thế giới, thường xảy ra nhiều ở các nước Châu Á, đặc biệt là các nước trồng lúa nước. Tỉ lệ nhiễm bệnh từ 15 – 20%, tỉ lệ tử vong rất cao tới 70% đối với gà nhỏ, 5 – 20% đối với gà trưởng thành, gà đẻ. Vì vậy, các chuyên gia nông nghiệp đánh giá đây là một trong những loại bệnh nguy hiểm, làm giảm sự phát triển và sinh sản của gia cầm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Nguyên nhân gây bệnh
Có khoảng gần 100 loài Leucocytozoon ký sinh và gây bệnh cho gia cầm, trong đó Leucocytozoon caulleryi là loài đơn bào phổ biến nhất, ký sinh và gây bệnh cho gia cầm (gà, vịt, ngan) ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
Bệnh Ký sinh trùng đường máu ở gia cầm do chủng đơn bào Leucocytozoon-cauleri gây ra có đặc điểm: cơ thể đơn bào hơi tròn, kích thước 15,0 – 15,5 µm. Các vật chủ trung gian truyền bệnh là các loại côn trùng hút máu gà như muỗi, dĩn. Ở trong cơ thể vật chủ trung gian, đơn bào ký sinh phát triển thành thể bào tử. Khi côn trùng đốt con vật, bào tử mang bệnh sẽ di chuyển theo tuyến nước bọt và trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể gia cầm, phát triển và ký sinh trong hồng cầu. Đơn bào sinh sản vô tính, phá vỡ nhiều hồng cầu, sau đó xâm nhập, làm sưng to, biến dạng và gây xuất huyết các cơ quan thực thể như gan, thận, lá lách, …
Bệnh mang tính thời vụ, thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa từ mùa xuân sang mùa hè, khí hậu ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển của các loài côn trùng gây bệnh.
Triệu chứng bệnh
Thời gian ủ bệnh và diễn biến của bệnh kéo dài từ 7 – 12 ngày phụ thuộc vào chủng Leucocytozoon gây bệnh, số lượng ký sinh trùng và tình trạng sức khỏe của gia cầm.
Dấu hiệu đặc trưng thường thấy trong đàn gia cầm như một số con có biểu hiện ủ rũ, sốt cao, mệt mỏi, kém ăn, tích mào nhợt nhạt, trắng bệch, khi chết máu chảy ra miệng, xác chết còn béo. Gà mất thăng bằng, thở nhanh, thiếu máu. Cần đặc biệt lưu ý khi tỷ lệ gia cầm xuất hiện các triệu chứng tăng dần trong đàn.
Gà bị tiêu chảy kéo dài, phân màu xanh lá cây, nhớt, có thể lẫn máu do ruột bị tổn thương.
Bệnh tích
– Ngực và chân thấy nhiều vết đốt của côn trùng tụ máu.
– Xuất huyết ở nhiều cơ quan nội tạng như gan, tụy, thận, buồng trứng đều xuất huyết thành vết chấm tròn.
– Xuất huyết lấm tấm trên cơ ngực, cơ đùi, dưới da, chân và cánh.
– Máu loãng, không đông hoặc khó đông.
– Xuất huyết phổi, tụ máu tại xoang bụng…
– Gan, lách sưng to và mủn nát, dễ vỡ.
– Ruột chứa nhiều phân màu xanh lá cây. Gà bị bệnh lâu ngày thấy có nhiều nang bào ký sinh màu trắng như hạt gạo rải rác ở tụy.
Chẩn đoán bệnh
* Dựa vào mùa vụ và lứa tuổi:
– Bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa mưa, ẩm có nhiều muỗi, dĩn, ruồi …;
– Thường ở đàn gà hướng trứng từ 1,5 tháng tuổi trở lên.
* Dựa vào triệu chứng:
– Gà sốt cao, giảm ăn uống, giảm đẻ đột ngột ở những đàn gà sinh sản;
– Nền chuồng thấy rải rác có phân màu xanh lá cây.
* Dựa vào bệnh tích đặc trưng:
– Cơ ức khô cứng, nhợt nhạt loang lổ các vùng nhạt màu;
– Gan, lách sưng to và mủn nát;
– Thành ruột dày, có các điểm hoặc vùng rộng hiện tượng hoại tử màu trắng sữa;
– Dạ dày tuyến dày, trong dạ dày cơ có chất chứa màu vàng xanh.
Biện pháp phòng bệnh
Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 ở Việt Nam nước ta có số lượng gia cầm nhiễm bệnh lớn nhất vì bước vào mùa nóng. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh cho gia cầm bằng các biện pháp dưới đây càng sớm càng tốt để ngăn ngừa bệnh ở đàn vật nuôi:
* Vệ sinh phòng bệnh
Tránh xây dựng chuồng trại ở những nơi ngập nước.
Phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng định kỳ toàn khu vực chăn nuôi nhằm tiêu diệt ký chủ trung gian truyền bệnh.
Quan sát thường xuyên tình trạng sức khỏe của đàn gà, có biện pháp chăm sóc hợp lý, nâng cao sức khỏe.
* Tăng cường sức đề kháng: Bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực như: SANFO.AMINOTEC KS, SANFO.ACEMIN, BCOMPLEX K3+C+M, GLUZYME-VITACID (bổ sung vitamin, khoáng chất và thảo dược, tăng cường hệ tiêu hoá), ĐIỆN GIẢI GLU K.C ACTISO (tăng cường chức năng gan, giải độc, tăng sức đề kháng) … nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn.