Hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách trong thú y
Nội dung tóm tắt
* Bạn đã hiểu đúng về thuốc kháng sinh
– Thuốc kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh là những hợp chất có cấu tạo hóa học phức tạp, phần lớn trong số đó lúc đầu do xạ khuẩn, vi khuẩn và nấm sản sinh ra. Những năm gần đây do công nghệ hóa dược phát triển nên đại đa số kháng sinh đã được sản xuất bằng con đường tổng hợp.
Kháng sinh gồm những chất ở nồng độ thấp đã có tác dụng (Cả invitro và invivo) ức chế hay tiêu diệt sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.
Hiện nay trong ngành thú y, thuốc kháng sinh đã khá phát triển với nhiều hoạt chất nhằm bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển của gia súc gia cầm trước dịch bệnh
* Vấn đề gặp phải khi sử dụng kháng sinh thú y
– Tình trạng kháng kháng sinh
Kháng thuốc xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, virus hay kí sinh trùng có khả năng tạo ra cánh chống lại các thuốc kháng sinh, làm cho thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Quá trình kháng thuốc kháng sinh của các mầm bệnh sẽ bị đẩy nhanh khi việc sử dụng các thuốc diễn ra không hợp lý hoặc quá mức. Do đó các thuốc trước đây có hiệu lực chữa bệnh trên người và động vật thì hiện nay trở nên kém hoặc thậm chí không còn tác dụng, khiến khả năng dự phòng và điều trị thành công bị giảm xuống đáng kể.
Việc khống chế sự lây lan của nhiễm khuẩn kém, điều kiện vệ sinh không đảm bảo hoặc thực phẩm không chất lượng cũng là các yếu tố làm gia tăng sự phân bố của mầm bệnh kháng thuốc trong môi trường.
* Các nhóm thuốc kháng sinh
Hiện nay có khá nhiều cách phân loại thuốc kháng sinh như dựa vào nguồn gốc, dựa vào cơ chế tác dụng, dựa vào phổ tác dụng, dựa vào khả năng tác dụng hoặc phân loại tổng hợp dựa trên các yếu tố công thức, nguồn gốc hay cơ chế tác dụng và cách tác dụng với các nhóm sau:
+ Nhóm B-lactamin gồm penicilin và cephalosporin
+ Nhóm amynoglucozit
+ Nhóm macrlolid gồm lincosamid, rifamicin, vancomicin, novobiocin,…
+ Nhóm phenicol
+ Nhóm tetrecyclin
+ Nhóm kháng sinh da-peptid
+ Nhóm kháng sinh chống nấm
+ Nhóm thuốc hóa học trị liệu có cơ chế tác dụng như kháng sinh: nhóm quinolon, nitrofuran, sulphamid và những thuốc có tác dụng kìm hãm virus.
* Nguyên tắc sử dụng kháng sinh đúng cách
Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, tình trạng tồn dư kháng sinh xảy ra do việc lạm dụng và sử dụng sai cách dẫn đến những hậu quả không đáng có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và chính vật nuôi. Bà con và các đối tượng sử dụng kháng sinh trên động vật cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
+ Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ thú y kê đơn. Trong một số trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo kháng sinh có thể điều trị nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ chỉ kê kháng sinh sau khi có kết quả kháng sinh đồ trước.
+ Đảm bảo tuân thủ và thực hiện các hướng dẫn về liều lượng và liệu trình theo hướng dẫn của bác sĩ thú y, ngay cả khi các triệu chứng nhiễm khuẩn có vẻ đã chấm dứt. Việc tuân thủ và thực hiện chính xác liều và liệu trình sẽ giúp duy trì được nồng độ cho tác dụng ức chế vi khuẩn trên vật nuôi;
+ Chỉ mua thuốc kháng sinh tại các cơ sở được cấp phép;
+ Bảo quản và lưu trữ thuốc kháng sinh chưa sử dụng tới theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;
+ Ghi chép lại đầy đủ các thông tin về các thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi tại trang trại bao gồm: tên thuốc, liều dùng, ngày sử dụng, mục đích sử dụng;
+ Lập sổ ghi chép về việc sử dụng kháng sinh và các thuốc khác cho động vật;
+ Sử dụng kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc phù hợp;
+ Việc phối hợp sử dụng các thuốc kháng sinh với nhau bắt buộc phải có sự giám sát của các chuyên gia y tế (bác sĩ thú y) và chỉ được phép dùng đến khi liệu pháp sử dụng một kháng sinh là không khả thi để cho kết quả điều trị tốt;
+ Việc phối hợp sử dụng các loại thuốc kháng sinh thường chỉ được thực hiện cho các mục đích: tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng hoặc khi điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn gây ra.
* Tình trạng tồn dư kháng sinh
Tồn dư kháng sinh là tình trạng kháng sinh vẫn còn chứa trong thực phẩm (gia súc, gia cầm), có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe của người tiêu dùng khi họ sử dụng các thực phẩm này trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật được xác định là do việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không đúng cách, đặc biệt khi người chăn nuôi không thực hiện đủ thời gian giãn ngưng thuốc sau khi động vật được điều trị và trước khi giết mổ hay bán động vật.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong ngành thú y bạn nên nắm vững để đạt được hiệu quả cao cũng như tính an toàn trong quá trình sử dụng.