Giá thành nuôi lợn bao nhiêu?
Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ NN-PTNT. Đặc biệt ngày 20/3 vừa qua thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc hạ giá thành lợn hơi xuống dưới 60.000đ/kg. giá lợn hơi trong nước một số vùng đã giảm về mức 75.000 đồng/kg. nhưng việc giảm không đáng kể. chúng ta cùng đi hạch toán chi phí xem chi phí của người chăn nuôi là khoảng bao nhiêu nhé.
Khi chưa xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, giá thành chăn nuôi trung bình của Việt Nam được cho khoảng 37.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thành này có thể là lấy tham chiếu từ hộ chăn nuôi chưa hạch toán chi phí nhân công, lãi vay ngân hàng và khấu hao tài sản.
Qua khảo sát nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi và đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam hiện nay như: C.P, Dabaco, Mavin, CJ, Hòa Phát, Masan, Green Feed, Hoàng Long… chúng tôi tạm thời tính toán ra giá thành chăn nuôi lợn tại Việt Nam hiện nay để tham khảo như sau:
Giống: Trường hợp tự nuôi lợn nái để có lợn giống nuôi thịt thì hiện giá thành lợn giống là 1,3 triệu đồng/con lợn cai sữa 6,5 – 7kg. Nếu phải đi mua lợn giống bên ngoài chi phí giống lập tức tăng lên 2,2 – 2,4 triệu đồng/con.
Thức ăn: Hiện tỷ lệ tiêu tốn thức ăn (FCR) với chăn nuôi lợn tại Việt Nam hiện nay trung bình 2,5kg thức ăn/kg tăng trọng. Giá thức ăn chăn nuôi lợn thịt bình quân trên thị trường đang là 10.000 – 10.500 đồng/kg. Như vậy, nhân lên với một con lợn thịt xuất chuồng 105 – 125kg sẽ hết khoảng 2,7 – 3,2 triệu đồng tiền cám.
Vắc xin, thuốc thú y, vôi và thuốc sát trùng: Trước đây khi chưa xảy ra dich tả lợn Châu Phi các chi phí này hết khoảng 1.400 – 1.600 đồng/kg. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi việc sát trùng, khử trùng phải tăng mật độ và liều lượng nên chi phí tăng lên 2.000 đồng/kg, do đó mỗi con lợn xuất chuồng hết khoảng 200.000 đồng.
Nhân công, điện nước, khấu hao, lãi vay: Với các doanh nghiệp, tổng các loại chi phí này tính vào giá thành chăn nuôi hiện nay khoảng 500.000 đồng/con. Riêng với những hộ nông dân không phải đi vay ngân hàng và lấy công làm lãi, không tính khấu hao tài sản đầu tư chi phí này còn khoảng 100.000 đồng/con.
Tỷ lệ chết: Mức hao hụt đàn lý tưởng nhất trên lý thuyết hiện nay với chăn nuôi lợn thấp nhất là 5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn tùy thuộc rất nhiều vào trình độ chăn nuôi của các trang trại. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên tỷ lệ hao hụt đàn hiện nay có thể lên tới 10 – 15%. Như vậy, bình quân mỗi con lợn xuất chuồng sẽ phải cộng thêm 50.000 – 150.000 đồng hao hụt.
Như vậy, cộng tổng các loại chi phí chăn nuôi trên có thể tạm thời tính ra được giá thành chăn nuôi lợn tại Việt Nam hiện nay sau dịch tả lợn Châu Phi chắc chắn không còn ở mức 37.000 đồng/kg như trước kia.
Cụ thể, nếu tự cung cấp được con giống giá thành chăn nuôi hiện nay với doanh nghiệp khoảng 46.000 – 48.000 đồng/kg. Riêng đối với chăn nuôi nông hộ phải đi mua lợn giống bên ngoài với giá 2,2 – 2,4 triệu đồng/con, giá thành chăn nuôi có thể lên tới 52.000 – 54.000 đồng/kg.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, C.P Việt Nam đã giảm giá lợn liền một mạch qua nhiều đợt từ 85.000 đồng/kg xuống hiện chỉ còn 73.000 đồng với lợn đực hai máu và 75.000 đồng với lợn ba máu.
Ông Vũ Anh Tuấn tâm sự, với mức giá lợn hơi như hiện nay các doanh nghiệp như C.P rất hài lòng rồi, song ông cho rằng, tính giá lợn với một doanh nghiệp cần phải tính giá bình quân cả năm mới chuẩn nhất thay vì chỉ tính một vài tháng làm tham chiếu.
Theo số liệu C.P Việt Nam thống kê và cung cấp với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT ngày 16/2, giá bán lợn bình quân 5 năm gần đây cụ thể như sau: Năm 2015: 45.500 đồng; Năm 2016: 47.000 đồng; Năm 2017: 28.200 đồng; Năm 2018: 43.000 đồng; Năm 2019: 48.000 đồng nên ông Tuấn cho rằng, cơ bản trong ba năm gần đây chăn nuôi lợn, đặc biệt tại miền Bắc rất khó khăn khi chỉ có hòa và lỗ.
Do đó, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định việc C.P giảm giá lợn là nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, với Chính phủ và Bộ NN-PTNT chứ không phải do sợ thanh kiểm tra, bởi mọi hoạt động của C.P Việt Nam từ trước tới nay đều công khai, minh bạch, rõ ràng.
Còn ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, hiện bên ngoài thị trường giá lợn hơi vẫn được người dân bán dao động 79.000 – 82.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Nhưng hưởng ứng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Dabaco đã giảm giá lợn về mức thấp nhất 73.000 đồng/kg, nơi cao nhất 76.000 đồng/kg, giá trung bình toàn bộ hệ thống trang trại của Tập đoàn là 74.000 – 75.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Như So khẳng định, với chuồng trại, thiết bị con giống hiện đại, số con cai sữa/nái/năm 26,5 – 28 con như hiện nay giá thành chăn nuôi lợn của Dabaco đã tăng lên gần 50.000 đồng/kg nên ông sẵn sàng đối chất với bất cứ doanh nghiệp hay hợp tác xã chăn nuôi nào tại Việt Nam hiện nay cho rằng giá thành chăn nuôi lợn vẫn ở mức 37.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, dù vẫn chưa hết hẳn khó khăn song Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, vẫn sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ và Bộ NN-PTNT trong việc bình ổn giá lợn nhằm giữ được ngành chăn nuôi trong nước ổn định và một tương lai phát triển bền vững.